Dấu ấn tình hữu nghị Việt - Hàn tại Định Hóa
2024-10-06 11:17:00.0
Năm 2024 tròn 10 năm đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và huyện Cheongdo-Gun, tỉnh Gyeongsanbuk-Do, Hàn Quốc. Mối quan hệ ngoại giao đã vươn tầm quốc tế, thắm tình đoàn kết, mang đậm bản sắc dân tộc của 2 đất nước Việt - Hàn.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Định Hoá cho biết “Tinh thần Saemaul Undong đã trở thành một di sản của Hàn Quốc và thế giới. Các thế hệ lãnh đạo đi trước đã kết nối việc kết nghĩa giữa huyện Cheongdo-Gun, tỉnh Gyeongsanbuk-Do, Hàn Quốc và huyện Định Hóa. Qua 10 năm thiết lập quan hệ, tình đoàn kết của hai huyện trở nên ngày càng gắn bó, tình hữu nghị đã vượt qua biên giới.”
Ảnh: Đoàn đại biểu huyện Cheongdo, Hàn quốc thăm huyện Định Hóa năm 2023
Dự án làng mới Saemaul tại xóm Phú Ninh, xã Phú Đình chính là điểm nhấn trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa huyện Định Hóa và huyện Cheongdo trong những năm qua. Với nguồn vốn cam kết 625.000 USD thông qua Quỹ toàn cầu hoá nông thôn mới (SGF), từ năm 2019 đến năm 2024 Dự án đã hỗ trợ xóm Phú Ninh nhiều nội dung, hoạt động và công trình vô cùng ý nghĩa, có thể kể đến như các công trình xây dựng bể nước, giếng khoan, hệ thống tưới tiêu và bê tông hóa đường lên nương chè. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật và vận động nhân dân chuyển đổi 100% diện tích chè trung du sang các giống chè cho năng suất và giá trị cao hơn được tổ chức, đồng thời chuyển đổi phương thức sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Công trình nhà văn hoá rộng trên 300m2, được thiết kế đẹp mắt tạo nét đẹp chấm phá cho bức tranh nông thôn Phú Ninh đổi mới. Xưởng chế biến chè của HTX Phú Thịnh khang trang, rộng tới 180m2, với các Khu vực sản xuất, kho lạnh bảo quản sản phẩm, cùng các loại thiết bị máy móc để sao, sấy, vò và đóng gói chè hiện đại. Đó đều là những công trình được hỗ trợ từ Dự án làng mới Saemaul và đối ứng của nhân dân xóm Phú Ninh.
Ông Đỗ Văn Thao, HTX Phú Thịnh, xóm Phú Ninh xã Phú Đình, Định Hóa nói “từ khi Dự án của Hàn Quốc bà con được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao sản xuất, thay đổi tư duy bán hàng cho thu nhập cao. Bà con cũng có xu hướng kết hợp để sản xuất theo hợp tác xã để lớn mạnh hơn”
Ảnh: Xưởng chế biến chè của HTX Nông nghiệp Phú Thịnh được quỹ toàn cầu hóa Saemaul hỗ trợ xây dựng
Sự đồng hành của những người bạn Hàn Quốc cần cù, chăm chỉ trong suốt hành trình thực hiện Dự án đã làm tư duy và ý thức tự vươn lên của người dân xóm Phú Ninh được thay đổi rõ rệt. Bà con tự nguyện đối ứng 160 triệu đồng để mở rộng khuôn viên nhà văn hóa lên hơn 1.400m2; tự nguyện hiến trên 4.000m2 đất để xây dựng các công trình đường giao thông; tự đầu tư thêm vật chất để hoàn thiện hệ thống tưới tiêu tự động cho 15ha chè kinh doanh. Nhân dân Phú Ninh cũng tự giác duy trì hoạt động vệ sinh môi trường định kỳ để đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, xóm Phú Ninh thành lập được thêm 2 hợp tác xã và 11 tổ hợp tác để phát triển kinh tế; có sản phẩm chè đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, giá chè được bán từ 250.000đ/1kg đến 600.000 đồng/1kg, tăng 3 đến 4 lần so với trước kia. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm Phú Ninh đã đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6% và hiện nay Phú Ninh đã đạt tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
ông Nguyễn Xuân Thủy, Xóm Phú Ninh, xã Phú Đình, Định Hoá chia sẻ “Trước đây chưa có xây dựng NTM, cũng như quỹ, thì phần đa còn trông chờ vào nhà nước; đế bây giờ bà con hoàn toàn tự lực tự cường để phấn đấu vươn lên phát triển”.
Ảnh: Hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai huyện Cheongdo và Định Hóa
Từ năm 2013 đến nay, thông qua tổ chức KOICA và Quỹ toàn cầu hoá nông thôn mới của Hàn Quốc, huyện Định Hóa đã xây dựng được 2 ngôi làng mang tên Saemaul tại xóm Tổ, xã Phượng Tiến và Phú Ninh, xã Phú Đình. Tại các ngôi làng ấy, mỗi năm đều có hàng trăm tình nguyện viên từ huyện Cheongdo-Gun, tỉnh Gyeongsanbuk-Do, Hàn Quốc đến hỗ trợ và chung tay cùng người dân địa phương xây dựng nên những tuyến đường liên xóm và nhà văn hóa khang trang; hỗ trợ bà con nâng cao năng lực để phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp và đời sống… Tổng kinh phí hỗ trợ của huyện bạn lên tới hơn 20 tỷ đồng. Qua các dự án đã góp phần thay đổi hạ tầng nông thôn của 2 địa phương, đặc biệt là thay đổi tư duy mới, cách nghĩ, cách làm mới, lan tỏa tinh thần cộng đồng hóa trong xây dựng nông thôn.
ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Quỹ toàn cầu hóa Nông thôn mới SGF tại Thái Nguyên nói về dự án |
(Dịch: Xóm Phú Ninh đã được phát triển rất tốt cùng chương trình Saemaul trong suốt 5 năm qua. Dù gặp khó khăn thời kỳ dịch Covid-19 nhưng dân làng Phú Ninh đã vượt qua bằng tinh thần cần cù, tự lực và hợp tác. Chúng ta đã xây Nhà văn hóa, đường làng, đường sản xuất trên đồi trà và nhiều công trình khác. Hôm nay chúng ta đón Đoàn đại biểu huyện Cheongdo đến dự khánh thành xưởng chế biến trà. Xưởng chế biến trà xanh này có lẽ là ví dụ thành công nhất trong việc giúp người dân nâng cao thu nhập. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn mọi người và xin chúc mừng).
|
Tinh thần Saemaul Undong đã trở thành một di sản của Hàn Quốc và thế giới. Tinh thần ấy đã truyền cảm hứng tới phong trào xây dựng NTM ở Định Hóa, theo đó giá trị của “Cần cù - Tự lực - Hợp tác” đã trở thành phương châm trong phong trào “Chung tay xây dựng NTM” của huyện Định Hóa trong suốt những năm qua.
Sau 13 năm, huyện Định Hóa đã huy động được trên 7.900 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp hơn 520 tỷ đồng, tự nguyện hiến hàng nghìn hecta đất để xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá và các công trình phúc lợi công cộng khác. Người nông dân cũng chủ động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, hướng đến sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch và chuyển đổi số trong sản xuất nông lâm nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hợp tác xã do xã do thanh niên, nông dân hay phụ nữ làm chủ đã xuất hiện.
Những thành quả ấy đã góp phần cùng huyện Định Hóa xây dựng, hoàn thành 9 tiêu chí và được Trung ương ký quyết định công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023, vượt trước 7 năm so với kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Minh Tú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa khẳng định “Tinh thần saemaul đã được huyện Định Hóa phát huy hiệu quả trong xây dựng NTM, nhân dân hiểu được vai trò trách nhiệm của bản thân về xây dựng NTM. Hợp tác giữa hai huyện đã được đánh giá là có hiệu quả, chúng tôi thấy việc nhân rộng các mô hình làng mới là việc cần thiết trong xây dựng NTM giai đoạn hiện nay”
Mô hình “Làng mới Saemaul” tại Định Hóa không chỉ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Định Hóa, mà còn là sợi dây gắn kết, là điểm nhấn quan trọng tô thắm thêm tình đoàn kết giữa 2 huyện Định Hóa và Cheongdo, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt - Hàn ngày càng bền chặt và phát triển.
Ông Kim Hoy Tae, Huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsanbu, Hàn Quốc vui mừng cho biết |
(Dịch: Trong thời gian đến công tác tại Việt Nam tôi cảm thấy tình cảm mọi người dành cho đoàn rất ấm áp. Tôi cảm thấy tất cả nhân dân đều có tinh thần và nhiệt huyết cùng với sự cố gắng vươn lên. Phong trào Seamaul đã ngày càng phát triển lớn mạnh. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các vị lãnh đạo và nhân dân đã tiếp đón đoàn thật là nồng ấm. Chúc cho tình hữu nghị giữa hai huyện mãi mãi bền chặt)
|
(Dịch: Tôi xin chân thành cảm ơn các vị lãnh đạo cũng như bà con nhân dân đã có buổi đón tiếp đoàn huyện Cheong thật ấm áp. Tôi cũng xin cảm ơn tới Xóm Phú Ninh đã chấp nhận sự thay đổi để đón cái mới. Tôi rất vui mừng và phấn khởi khi thấy những con đường thay đổi, thu nhập của người dân nâng cao, cuộc sống của người dân được cải thiện. Tôi mong rằng trong thời gian sắp tới 2 huyện ngày càng hợp tác và phát triển hơn nữa và tôi sẽ cố gắng cùng đồng hành và hợp tác) |
Ông Kim Ha Soo, Huyện trưởng huyện Cheongdo, tỉnh Gyeongsanbuk, Hàn Quốc |
10 năm chưa phải là dài cho mối quan hệ quốc tế, nhưng đủ để thấy được sự đoàn kết, tin tưởng giữa những người bạn quốc tế với nhau. Đó là mốc để đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa huyện Định Hóa và Cheongdo nói riêng; giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung đã được nâng lên một tầm cao mới, hướng đến các hoạt động giao lưu, hợp tác đa dạng hơn vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân 2 đất nước./.