Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

DI TÍCH LỊCH SỬ NƠI THÀNH LẬP TỔNG CỤC CUNG CẤP (TIỀN THÂN CỦA TỔNG CỤC HẬU CẦN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM )

2024-01-23 16:51:00.0

 

Nhà bia di tích nơi thành lập Tổng cục Cung cấp - ngày 11/7/1950 (Tiền thân của Tổng cục Hậu cần Quân dội nhân dân Việt Nam)

      Sau cách mạng Tháng Tám 1945, tháng 11/1946, Trung ương Đảng thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách có nhiệm vụ nghiên cứu việc di chuyển và chọn địa điểm an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến. Với địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn, các con đường mòn nhỏ, hẹp, kín đáo, có nhiều khe suối, rất thuận tiện cho việc sinh hoạt, bảo đảm an toàn và bí mật nên Thanh Định là một trong những xã của huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên được chọn làm địa điểm xây dựng An toàn khu Trung ương (ATK). Đầu năm 1947, cơ quan Bộ Quốc phòng – tổng chỉ huy và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm việc tại xã Thanh Định.

      Đầu năm 1950, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ III. Đây là Hội nghị rất quan trọng nhằm đánh giá, tổng kết và xác định nhiều chủ trương lớn của cách mạng. Đánh giá tình hình kháng chiến trong 2 năm 1948-1949, Hội nghị nhận định: Tình hình nhìn chung “ngày càng có lợi cho ta.... Ta càng đánh, chính quyền nhân dân càng thêm vững chắc, tinh thần quân và dân càng cao...". Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ rõ mấy nhược điểm lớn: thiếu vũ khí hạng nặng, thiếu quân chính quy, thiếu cán bộ...

      Trước thuận lợi và khó khăn đó, Hội nghị chủ trương: “Cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch...mà gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công...". Về phương diện quân sự, Hội nghị xác định: “Nhiệm vụ quân sự cụ thể và cần chiến đấu để tiêu diệt sinh lực địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân... Nhiệm vụ tác chiến và nhiệm vụ xây dựng quân đội cần phải liên kết chặt chẽ với nhau và cùng tiến hành...”. Để xây dựng lực lượng, phải “xúc tiến việc khuếch trương bộ đội chủ lực, tăng cường trang bị, cải tiến cấp dưỡng, huấn luyện ráo riết về kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức các trung đoàn mạnh tiến tới đại đoàn, binh đoàn. Khuếch trương và tăng cường chất lượng của bộ đội địa phương, đủ thay thế bộ đội chủ lực trên những vùng rộng lớn... phát triển dân quân xã, tăng cường các đội du kích xã...".

      Đi đôi với tăng cường sức mạnh bộ đội chủ lực, từ Trung ương đến địa phương đều rất coi trọng phát triển và nâng cao chất lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích, bảo đảm vừa đẩy mạnh được chiến tranh du kích, vừa có lực lượng dự bị dồi dào để sẵn sàng bổ sung cho bộ đội chủ lực. Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng- Tổng Tư lệnh và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Trung ương nhằm bảo đảm chỉ đạo chiến tranh tập trung hơn, huy động nhanh và sử dụng tốt các nguồn lực phục vụ tiền tuyến; điều hòa giữa nhu cầu quân sự với nhu cầu kinh tế. Nghị quyết quy định Bộ Tổng Tư lệnh gồm 3 bộ phận: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần).

      Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 121/SL quy định tổ chức nhiệm vụ của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam. Theo đó, Bộ Tổng Tư lệnh gồm các cơ quan: Bộ Tổng tham mưu; Tổng cục Chính trị; Tổng cục Cung cấp. Theo Sắc lệnh 121/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký ngày 11/7/1950, Tổng cục Cung cấp gồm các cục: Quân lương, Quân trang, Quân y, Quân vụ, Vận tải và Phòng Quân khí, có nhiệm vụ quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng được cử làm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp. Từ đó, ngày 11/7 trở thành ngày truyền thống ngành Hậu cần quân đội.

Đồng chí Trần Đăng Ninh và cán bộ cơ quan Tổng cục Cung cấp tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Ngôi nhà gia đình đồng chí Trần Đăng Ninh đã ở từ năm 1952 - 1954 tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

 

Bia di tích nơi thành lập Tổng cục Cung cấp - ngày 11/7/1950 (Tiền thân của Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam) tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

      Cơ quan Tổng cục Cung cấp và Chủ nhiệm Trần Đăng Ninh đóng tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên từ năm 1950 đến 1954.

      Nhằm phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa nói chung, xã Thanh Định nói riêng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong sự nghiệp xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, các cấp, các ngành địa phương theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” . Năm 2003, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Dự án đầu tư, phục hồi tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng có liên quan đến Bộ Quốc phòng tại ATK Định Hóa – Thái Nguyên, di tích Nơi thành lập Tổng cục Cung cấp là một trong các điểm mà Dự án thực hiện.

      Đến nay tại khu di tích đã được xây dựng khang trang, có nhà Lưu niệm Tổng cục Hậu cần, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật về hậu cần quân đội; về đất và người Thanh Định. Có nhà bia, bia ghi dấu lịch sử thành lập Tổng cục Cung cấp. Phục hồi hầm làm việc của Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh (cách khu di tích Tổng cục Cung cấp 50m về hướng đông) trong thời gian cơ quan đóng tại xã Thanh Định từ năm 1950 – 1954.

Nhà lưu niệm Tổng cục Hậu cần - Quân đội nhân dân Việt Nam, tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Tư liệu, hình ảnh về công tác hậu cần quân đội tại nhà lưu niệm Tổng cục Hậu cần -QĐND Việt Nam

Đèn dầu cán bộ cơ quan Tổng cục Cung cấp sử dụng trong thời gian đóng tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Đồ dùng sinh hoạt cán bộ cơ quan Tổng cục Cung cấp sử dụng trong những ngày đầu hoạt động tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Cối xay lúa - của gia đình ông Ma Tiến Được, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên dùng để xay xát gạo phục vụ cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng và cơ quan Tổng cục Cung cấp trong thời kỳ ở xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Khu hầm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh làm việc từ năm 1950 đến 1954, tại xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

      Di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số: 2246/QĐ-BVHTT&DL, ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

      Hiện nay, nơi đây được xem là địa chỉ đỏ khơi dậy niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh. Góp phần bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, đồng thời nhắc nhở các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay luôn tưởng nhớ, tri ân đến sự hi sinh, cống hiến của bao lớp người đi trước, nguyện ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, đem tài năng sức trẻ của mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

Tài liệu tham khảo: Lý lịch di tích nơi thành lập Tổng cục Cung cấp ngày 11/7/1950 (Tiền thân của Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam)  của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Bàn Thị Oanh - Bí thư Đoàn xã Thanh Định